Xác định chất lượng nguồn lao động là yếu tố quan trọng tạo sức hút đầu tư, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Hưng Yên đã đẩy mạnh các chương trình giáo dục nghề nghiệp (GDNN), nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo.
Trong giai đoạn vừa qua, ngành đã tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo việc triển khai thực hiện hoạt động GDNN trên địa bàn tỉnh và đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể giai đoạn 2016 - 2020, các trường đã tuyển sinh được 247.630 học sinh, sinh viên (HVSV), vượt kế hoạch giai đoạn. Trong đó, có 222.867 HVSV tại khu vực nông thôn được đào tạo nghề (chiếm khoảng 90%), tuyển sinh trình độ cao chiếm khoảng 10% tổng số tuyển sinh. Riêng hỗ trợ đào tạo nghề cho 5.414 lao động nông thôn theo chính sách Đề án 1956 với tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên đạt 92%. Đặc biệt, qua các đợt thi tuyển nghề quốc gia và ASEAN, Hưng Yên đều đạt thành tích cao.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, theo ông Đặng Văn Diên - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Sở đã rà soát sắp xếp lại cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh theo hướng đồng bộ, tập trung, tinh gọn, cơ cấu hợp lý, chú trọng chất lượng đào tạo, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh đang có 35 cơ sở GDNN với quy mô đào tạo là 70.000 người/năm; có gần 70 ngành, nghề, đào tạo trong đó có 23 nghề trọng điểm, cụ thể: cấp quốc tế 1 nghề; cấp ASEAN 2 nghề; cấp quốc gia 20 nghề. Ngoài ra còn chú trọng đào tạo các nghề mũi nhọn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 100% các cơ sở GDNN tự chủ động xây dựng chương trình và đưa nội dung kỹ năng làm việc trong doanh nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động vào chương trình đào tạo; 100% trường cao đẳng, trung cấp sử dụng giáo án điện tử. Có 3 cơ sở xây dựng bộ chương trình chuẩn đầu ra đối với 3 ngành, nghề gồm: Trường Cao đẳng Y tế Hưng Yên với nghề Điều dưỡng; Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên với nghề May thời trang; Trường Cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi với nghề Vận hành và Sửa chữa trạm bơm điện. Nguồn nhân lực đào tạo của tỉnh hiện có trên 1.700 nhà giáo, trong đó 70% nhà giáo đạt chuẩn, được nâng cao về số lượng và chất lượng, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo.
Tỉnh Hưng Yên đã đưa ra các chính sách hỗ trợ thuế, vốn đầu tư, chuyên môn kỹ thuật, đơn giản hóa thủ tục hành chính lĩnh vực GDNN, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực GDNN. Cụ thể như: 100% cơ sở GDNN được miễn tiền thuế đất và được hỗ trợ vay vốn mức ưu đãi nếu có nhu cầu; đơn giản hóa quy trình thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính từ 05-27 ngày so với quy định cũ... Từ đó, Hưng Yên đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ đồng vào cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, xây dựng chương trình, giáo trình... góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Đến nay, Hưng Yên có hơn 1000 doanh nghiệp liên kết với cơ sở GDNN trong cả 3 khâu tuyển sinh - đào tạo - tiếp nhận lao động và tham gia xây dựng chương trình; hỗ trợ hoạt động đào tạo; tạo điều kiện cho người học thực tập tại doanh nghiệp...
Những năm tới, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục chỉ đạo các cơ sở GDNN đẩy mạnh chương trình hợp tác với các doanh nghiệp nhằm tạo mối liên kết chặt chẽ giữa cung - cầu trong lĩnh vực lao động việc làm. Đồng thời, ngành sẽ hành động quyết liệt hơn nữa để cải thiện môi trường kinh doanh ở lĩnh vực ngành quản lý như: Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính; bảo đảm công khai, minh bạch, giảm chi phí; đồng hành và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI