QUẢNG NAM

Đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, lành mạnh

09:10:56 | 4/7/2024

Cùng với gìn giữ an ninh trật tự, Công an (CA) tỉnh Quảng Nam đã tham mưu, thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN). Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc CA tỉnh Quảng Nam đã có trao đổi với phóng viên về vấn đề này. 

Những năm qua, tỉnh Quảng Nam được nhiều DN trong, ngoài nước quan tâm lựa chọn để đầu tư, sản xuất - kinh doanh (SXKD). Góp phần vào kết quả này, CA tỉnh đã tham mưu, thực hiện giải pháp nào?

CA tỉnh đã tham mưu, thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy cải cách hành chính (CCHC), nổi bật là việc thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trên địa bàn; triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 514/KH-CAT- PV01, ngày 17/02/2024 về thực hiện công tác CCHC năm 2024;…

CA tỉnh cũng áp dụng hiệu quả Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia ISO 9001:2015; công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, thủ tục hành chính (TTHC); niêm yết công khai các loại phí, lệ phí; chủ động giải quyết TTHC sau khi DN đi vào hoạt động như: Cấp Giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy; cấp giấy vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ; lĩnh vực xuất nhập cảnh;…

Bên cạnh đó, tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà; kiểm soát chặt chẽ cán bộ tham mưu xử lý các hồ sơ, TTHC; tránh tình trạng DN phải tốn chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra, nhất là về phòng cháy, chữa cháy.

CA tỉnh còn thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giúp DN yên tâm SXKD; phấn đấu đạt chỉ tiêu trong lĩnh vực an ninh trật tự theo Kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của UBND tỉnh.

Ngoài ra, công khai đường dây nóng tiếp nhận giải quyết TTHC trên Cổng thông tin điện tử CA tỉnh, qua các trang mạng xã hội của CA tỉnh và CA các đơn vị địa phương, tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Công an các đơn vị, địa phương trực tiếp giải quyết TTHC,…

Sau hơn 02 năm triển khai Đề án 06, tỉnh Quảng Nam đã đạt kết quả nổi bật nào, thưa ông?         

CA tỉnh - Cơ quan thường trực Tổ công tác Đề án 06 tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh, Tỉnh ủy ban hành 01 chỉ thị, 03 nghị quyết, 08 kế hoạch, 15 quyết định, 17 thông báo và hơn 100 công văn triển khai, hướng dẫn, đôn đốc; chỉ đạo CA đơn vị, địa phương đảm bảo số hóa 100% kết quả giải quyết TTHC; thường xuyên hoàn thiện dữ liệu dân cư đảm bảo đây là dữ liệu gốc, “đúng, đủ, sạch, sống”,...


Công an tỉnh Quảng Nam tập huấn an ninh mạng cho doanh nghiệp

CA tỉnh đã phát động đợt thi đua cao điểm “90 ngày, đêm” thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD); hướng dẫn nhân dân cài đặt, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử và triển khai mô hình “Ngày Chủ nhật cùng VNeID”. Triển khai mô hình “Thực hiện dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội”; chỉ đạo lực lượng Cảnh sát khu vực, CA cấp xã triển khai các phần mềm trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư,... Với sự nỗ lực trên, sau 2 năm triển khai Đề án 06/CP đã đạt được kết quả như:

- Đã hoàn thành 25/25 dịch vụ công thiết yếu đúng tiến độ, trong đó có 02 nhóm TTHC liên thông; đã phát sinh hồ sơ đối với 8/28 dịch vụ công thiết yếu; tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là 11/25 và 1/28 dịch vụ công thiết yếu của lực lượng CA chủ trì.

- CA tỉnh đã chủ trì tham mưu thực hiện hiệu quả ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

- Về phát triển công dân số, đã hoàn thành 02 nhiệm vụ: Cấp CCCD cho 100% công dân đủ điều kiện và vượt chỉ tiêu về tạo lập, kích hoạt tài khoản định danh điện tử; phối hợp triển khai ứng dụng Smart Quảng Nam, đã cơ bản hoàn thiện các chức năng tiện ích cung cấp thông tin, dịch vụ công, các dịch vụ thiết yếu cho công dân, tra cứu hồ sơ kết quả giải quyết TTHC và đang tổ chức chức triển khai “Mô hình 24: Chuẩn hóa xác thực tập trung (SSO)” dùng tài khoản VNeID đăng nhập vào ứng dụng này và nhiều nền tảng ứng dụng, trang web của tỉnh.

- Về nhóm phục vụ kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu dân cư: Đã hoàn thành kết nối với kho dữ liệu cá nhân/tổ chức trên Cổng dịch vụ công quốc gia, nâng cấp hạ tầng Trung tâm dữ liệu tỉnh, bảo đảm vận hành thông suốt, an ninh an toàn hệ thống, phục vụ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;... chủ trì, phối hợp triển khai, thu thập, cập nhật, làm giàu dữ liệu theo chỉ đạo của Tổ Công tác Đề án 06 Chính phủ.

- Về nhóm tiện ích phục vụ chỉ đạo, điều hành: CA tỉnh đã khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kịp thời cung cấp thông tin cơ bản của công dân phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội; cùng với quá trình kết nối làm giàu dữ liệu, các thông tin cung cấp từng bước toàn diện hơn.

Để góp phần cải thiện Chỉ số PCI chung và Chỉ số thành phần “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, CA tỉnh đã, đang thực hiện giải pháp, hoạt động gì?

CA tỉnh tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ CCHC và kiểm soát TTHC; quán triệt, thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Giám đốc CA tỉnh theo các kế hoạch thực hiện CCHC; kiểm soát TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, DN; xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN,...

Hai là, tập trung cải cách TTHC trong lĩnh vực an ninh trật tự, nhất là liên quan đến các tổ chức, công dân, DN; triển khai có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đẩy mạnh thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; chỉ đạo CA các đơn vị, địa phương triển khai, thực hiện một số nội dung, biện pháp thi hành trong số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

Ba là, công bố danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết; thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong: Quản lý xuất nhập cảnh, quản lý giao thông đường bộ; công tác cấp, quản lý CCCD; đăng ký mẫu dấu và quản lý con dấu; đăng ký,...

Bốn là, triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp bảo vệ an ninh, bảo vệ tài sản giúp DN yên tâm SXKD.

Trân trọng cảm ơn ông!  

Ngô Khuyến (Vietnam Business Forum)