Cách đây 25 năm, Khu di tích Mỹ Sơn đã được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Từ đó đến nay, công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy di sản được chú trọng, không chỉ giúp Mỹ Sơn hồi sinh, tìm lại diện mạo vốn có mà còn mang đến những trải nghiệm mới cho du khách.
Dấu ấn Chămpa giữa lòng xứ Quảng
Được khởi công từ thế kỷ 4 bởi vị vua Bhadravarman (trị vì từ năm 349 đến năm 361) và kết thúc vào cuối thế kỷ thứ 13, đầu thế kỷ 14, dưới triều vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân), Mỹ Sơn là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Chămpa. Hầu hết các công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc tại Mỹ Sơn đều chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo.
Bị chiến tranh tàn phá, đến năm 1975, Mỹ Sơn chỉ còn lại 32 công trình, trong đó khoảng 20 công trình còn giữ được dáng vẻ ban đầu. Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Siva - đấng bảo hộ của các dòng vua Chămpa. Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Bhadravarman, vị vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào thế kỷ 4 kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần - vua và tổ tiên hoàng tộc.
Ngày 04/12/1999, Khu di tích Mỹ Sơn đã được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa thế giới bởi những giá trị điển hình, tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật. Quần thể di tích với những công trình kiến trúc đã tồn tại hàng ngàn năm trên một vùng đất có bề dày văn hóa lâu đời, được các thế hệ bảo tồn gìn giữ và phát huy.
Nỗ lực bảo tồn di sản
Ông Nguyễn Công Khiết, Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết: Sau 25 năm được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa thế giới, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương, sự giúp đỡ tích cực của UNESCO cùng cộng đồng quốc tế, công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu di sản được chú trọng và thực hiện hiệu quả với nhiều kết quả tích cực.
Từ một di tích bị thời gian và chiến tranh tàn phá, Khu đền tháp ngày nay không còn là những di tích hoang phế mà là một quần thể kiến trúc với dáng dấp ban đầu. Tiêu biểu là Dự án tu bổ nhóm tháp G thuộc Chương trình hợp tác 3 bên do Chính phủ Italia, UNESCO và Việt Nam. Từ năm 2011 đến năm 2015, Viện Bảo tồn di tích, triển khai Dự án trùng tu bảo tồn tháp E7. Dự án bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa thế giới Khu di tích Mỹ Sơn các nhóm đền tháp A, H, K do Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ. Xây dựng Nhà trưng bày, nghiên cứu giới thiệu Mỹ Sơn do tổ chức JICA (Nhật Bản) tài trợ,...
Bên cạnh sự quan tâm về văn hóa vật thể, những giá trị về văn hóa phi vật thể cũng được bảo tồn, gìn giữ, phát huy. Đội văn nghệ dân gian Chăm, ngày nay là phòng Văn hóa Nghệ thuật Dân gian Chăm không ngừng được củng cố, bổ sung chương trình biểu diễn múa dân gian độc đáo, thu hút du khách và gìn giữ, bảo tồn vốn quý văn hóa truyền thống, góp phần tạo nên sản phẩm du lịch, văn hóa đặc trưng của Mỹ Sơn.
Đồng thời, tập trung phát triển các dịch vụ du lịch để thu hút khách, xây dựng sản phẩm du lịch mới như: “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại”, thuyết minh tự động đa ngôn ngữ AudioGuide, tham quan thực tế ảo 360, du lịch sinh thái rừng cảnh quan, trải nghiệm dệt thổ cẩm Chăm, thuê trang phục dân gian,... Ngoài ra, còn có các chương trình nghệ thuật khác như: “Âm vang Mỹ Sơn”, “Xuân về tháp cổ”,... biểu diễn trong các dịp Lễ, Tết.
Không chỉ vậy, Ban cũng hoàn thiện hệ thống giao thông nội bộ, các gian hàng địa phương,... để du khách có trải nghiệm văn hóa bản địa và thưởng thức các sản phẩm đặc trưng. Nhờ đó, lượng du khách đến với Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn tăng lên đáng kể, tạo điều kiện để Ban tiếp tục hoàn chỉnh hạ tầng, phát triển các loại hình du lịch mới phù hợp với không gian bên ngoài vùng di sản.
Đêm Mỹ Sơn huyền thoại - Chương trình nghệ thuật tái hiện những tinh hoa văn hóa Chăm sẽ diễn ra ở thung lũng Mỹ Sơn huyền bí
Hướng đến phát triển bền vững
Phát huy kết quả đạt được, hiện Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn phấn đấu đến năm 2025 hoàn thiện hồ sơ thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch Di tích Mỹ Sơn giai đoạn đến năm 2030, định hướng 2050 nhằm mở rộng không gian phát triển, thực hiện hiệu quả công tác phát huy giá trị di sản.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến, kết nối du khách và doanh nghiệp dựa trên sản phẩm và tiện ích công nghệ, đặc biệt tập trung vào chuyển đổi số. Tăng cường kết nối các công ty, doanh nghiệp, chủ động nguồn khách, chiếm lĩnh các thị phần khách đến Quảng Nam thông qua việc khuyến mãi, hậu mãi.
Xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng gắn với sinh thái, cảnh quan đập Thạch Bàn; các loại hình du lịch như văn hóa, sinh thái, giải trí,... Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; quan tâm, liên kết cộng đồng trong phát triển du lịch thông qua việc kết nối với người dân, doanh nghiệp địa phương để cùng bắt tay làm du lịch, cùng chia sẻ trách nhiệm, thụ hưởng quyền lợi.
Thanh Loan (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI