Là một vùng đất đầy tiềm năng với địa thế 3 mặt giáp biển, cơ sở hạ tầng phát triển, thủ tục thông thoáng, lại rất gần với Tp.Hồ Chí Minh - trung tâm của khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhanh chóng trở thành một trong những cái nôi thu hút đầu tư của cả nước, nhất là thu hút FDI. Trong cuộc trao đổi với Tạp chí Vietnam Business Forum, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Phước Lễ khẳng định: “Bà Rịa – Vũng Tàu hoan nghênh và sẵn sàng tiếp đón các nhà đầu tư có năng lực và thiện chí đến tìm hiểu và đầu tư phát triển tại tỉnh nhà”. Thanh Tâm thực hiện.
Ông có thể cho biết những lợi thế đặc thù của Bà Rịa -Vũng Tàu trong thu hút đầu tư?
Bà Rịa-Vũng Tàu nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều thuận lợi về vị trí địa lý, nguồn tài nguyên thiên nhiên, là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế biển. Phát huy tiềm năng lợi thế này, những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn đạt khá với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp dầu khí gắn với cảng biển và các KCN, với nhiều sản phẩm công nghiệp nặng, khí, điện, đạm, thép…; các ngành dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu, hải sản…
Từ khi Luật Đầu tư có hiệu lực, tình hình thu hút đầu tư, nhất là đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có những biến chuyển như thế nào? Để tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, theo ông Bà Rịa-Vũng Tàu cần có những đổi thay cần thiết nào?
Cả giai đoạn 1988-2007, kể từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trên địa bàn tỉnh đã thu hút 196 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 7,6 tỷ USD, quy mô bình quân 40 triệu USD/dự án; vốn thực hiện trong giai đoạn 1988-2007 đạt gần 3,5 tỷ USD, bình quân thực hiện 175 triệu USD/năm. Việc Việt Nam gia nhập WTO đã tác động tích cực vào tình hình đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh. Chỉ trong gần 3 năm qua (2008-2010), tỉnh đã thu hút được 110 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư 20,8 tỷ USD, quy mô bình quân 190 triệu USD/dự án và vốn thực hiện đạt khoảng 2,7 tỷ USD, bình quân thực hiện 900 triệu USD/năm.
Riêng trong giai đoạn 2006-2010 đã thu hút vốn đầu tư thêm khoảng 24 tỷ USD. Nhiều dự án lớn về cảng biển, du lịch, sản xuất công nghiệp đã có tính lan tỏa cao như: Cảng Quốc tế SP-PSA, Cảng Tân Cảng Cái Mép, Cảng SITV, Cảng Sài Gòn SSA, Nhà máy thép Posco, Khu du lịch Hồ Tràm - Asean Coast, … trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng thời tạo nên sự lan tỏa về vốn, công nghệ, trình độ quản lý, trình độ lao động và thúc đẩy sản xuất kinh doanh với trình độ phát triển cao. Đặc biệt trong 2 năm qua đã có nhiều sự kiện hàng hải gồm nhiều chuyến tàu hàng hóa xuất nhập khẩu đã đi trực tiếp từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sang Hoa Kỳ và một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác không qua trung chuyển, qua đó đã khẳng định vai trò, vị thế quan trọng của Bà Rịa – Vũng Tàu trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án và thu hút FDI trong thời gian tới, theo tôi cần phải tăng cường cải cách hành chính, trong đó chú trọng nghiên cứu hoàn chỉnh việc điều chỉnh, bổ sung cụ thể một số nội dung của Quyết định 23 về quy trình thủ tục đầu tư cho phù hợp với thực tiễn của hoạt động đầu tư và các quy định pháp luật mới ban hành nhằm góp phần quan trọng vào việc cải cách thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư trong thời gian tới. Tập trung thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để sớm giao đất sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ. Đồng thời thường xuyên có văn bản đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư triển khai đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định và báo cáo triển khai thực hiện dự án định kỳ để theo dõi, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc.
Vậy Bà Rịa – Vũng Tàu đã có những giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án FDI ?
Nhằm hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, thúc đẩy chuyển vốn đăng ký sang vốn thực hiện, tỉnh tập trung giải quyết tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để sớm giao mặt bằng cho nhà đầu tư; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án, đặc biệt là các tuyến đường giao thông kết nối vào vùng dự án.
Song song đó, tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện quy trình thủ tục đầu tư theo mô hình một đầu mối tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời tập trung giải quyết các khó khăn vướng mắc của các nhà đầu tư, tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt kịp thời thông tin về khó khăn của doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ giải quyết kịp thời.
Việc tiếp tục đường lối nhất quán trong thu hút, khuyến khích và bảo đảm hoạt động cho các nhà đầu tư được tỉnh định hướng như thế nào?
Bên cạnh việc chủ động thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh cùng các ngành hữu quan đã nỗ lực rất lớn trong việc cải cách thủ tục hành chính, thực hiện theo quy trình một đầu mối và hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án được thuận lợi nhất. Hàng tuần, Chủ tịch UBND tỉnh dành 1 buổi làm việc để tiếp và giải quyết các vướng mắc theo yêu cầu của nhà đầu tư. Ngoài ra, tại các cuộc giao ban định kỳ hàng tháng của UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành và UBND cấp huyện tăng cường kiểm tra tiến độ thực hiện từng dự án, đề xuất giải pháp xử lý. Tổ hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc các dự án bên ngoài KCN tổ chức họp định kỳ 2 tuần/lần nhằm tháo gỡ, tạo điều kiện triển khai thực hiện dự án.
Trong thời gian tới tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tập trung kêu gọi đầu tư vào các KCN và Cụm công nghiệp: KCN Phú Mỹ II, KCN Cái Mép, KCN Mỹ Xuân B1-Conac, Mỹ Xuân B1-Tiến Hùng, Mỹ Xuân B1-Đại Dương…. Tập trung ưu tiên thu hút các ngành như: công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, trong đó ưu tiên các lĩnh vực về thiết bị điện gia dụng, máy móc phục vụ công nghiệp chế biến, nông nghiệp…Đồng thời thu hút các dự án cung cấp dịch vụ về vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng, logistics, bưu chính – viễn thông, xây dựng. Chúng tôi hoan nghênh, sẵn sàng tiếp đón các nhà đầu tư có năng lực, thiện chí đến tìm hiểu và đầu tư tại địa phương.