Là một huyện miền núi thuộc tỉnh Tuyên Quang, Lâm Bình khi mới thành lập đã gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế. Nhưng bằng sự đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn của các cấp chính quyền và người dân trên địa bàn, thời gian qua huyện đã tập trung phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình. Ngọc Bích thực hiện.
Ông đánh giá như thế nào về những thuận lợi, khó khăn và kết quả đạt được nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội của Lâm Bình trong 5 năm qua?
Lâm Bình là một huyện miền núi mới được thành lập, tuy không có lợi thế về tài nguyên nhưng điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây phù hợp với chăn nuôi đại gia súc, trồng các loại cây công nghiệp như: chè, lạc, bông, cao su...Huyện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và cơ cấu mùa vụ hợp lý, nhiều mô hình trồng trọt theo hướng hàng hóa được hình thành đã giúp người dân nâng cao thu nhập. Diện tích mặt hồ thủy điện đảm bảo cho việc triển khai 6 dự án nuôi cá ở các eo ngách với tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng, sản lượng thủy sản khai thác hàng năm đạt trên 300 tấn, đã góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện đi lên.
Thuận lợi có, nhưng khó khăn cũng nhiều. Khi thành lập, Lâm Bình là huyện duy nhất trung tâm huyện chưa có đường quốc lộ, tỉnh lộ đi qua, vẫn là đường đất, chưa được cứng hóa, các cơ quan chưa có trụ sở làm việc. Vốn là huyện thuần nông nên các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ chưa thể phát triển. Nguồn thu ngân sách nhỏ bé, đội ngũ cán bộ, công chức tập hợp từ các nơi, chưa am hiểu về địa bàn cũng như chưa có kinh nghiệm trong công tác. Song với sự quan tâm, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của các sở, ban, ngành... và hơn cả là sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc địa phương, huyện đã nhanh chóng hoàn thiện bộ máy, bảo đảm hoạt động đồng bộ, thông suốt và hiệu quả.
Kinh tế xã hội của huyện có chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất bình quân hằng năm tăng trên 13%, thu ngân sách tăng từ 900 triệu đồng năm 2011 lên trên 15 tỷ đồng năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 71,12% đầu năm 2011 xuống còn 37,6% năm 2015 . Hoàn thành trên 109km đường bê tông nông thôn theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Quan tâm xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hệ thống các công trình cấp nước sinh hoạt, tỷ lệ dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 92%. Thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân được xây dựng vững chắc, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là về giao thông đang được huyện cụ thể hóa bằng những chương trình, kế hoạch hành động ra sao?
Đảng bộ huyện Lâm Bình khi mới thành lập đã tập trung huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu tại trung tâm huyện. Tận dụng tốt các nguồn lực để đầu tư hệ thống giao thông, mở mới và cải tạo, nâng cấp một số công trình giao thông quan trọng nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Sau 5 năm (2011-2015), hệ thống hạ tầng then chốt của huyện đã từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả, góp phần cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ tích cực cho công tác đào tạo nguồn nhân lực và phát triển du lịch.
Với quan điểm tranh thủ thời cơ và lợi thế, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, Lâm Bình dành ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đối ngoại tạo sự liên kết vùng. Huyện tập trung ưu tiên đầu tư hạ tầng, đặc biệt là tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trọng tâm là khu vực trung tâm huyện, sớm đưa Lăng Can đạt tiêu chí đô thị loại V và trở thành thị trấn của huyện. Xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông trên địa bàn theo kế hoạch, trọng tâm là tuyến đường Thổ Bình-Thượng Lâm, đường Bình An-Hồng Quang, đường Lăng Can-Xuân Lập.
Để thực hiện được điều đó, huyện đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA cùng các khoản vốn vay ưu đãi khác, tăng cường xã hội hóa để thu hút vốn ngoài ngân sách, tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân. Tập trung ưu tiên, giải quyết nhanh nhất thủ tục hành chính đối với các dự án trọng điểm, cấp bách để đẩy nhanh tiến độ trên cơ sở đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật.