HƯNG YÊN

Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững

12:17:27 | 1/3/2021

Những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng với bối cảnh mới, đưa nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Hưng Yên đã tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo bước phát triển đột phá, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhiều loại nông sản, từng bước tiếp cận mô hình sản xuất hiện đại và an toàn; góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, thủy sản bình quân đạt 2,87%/năm (năm 2020, đạt 12.963 tỷ đồng, tăng 3,47%). Cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp chuyển dịch tích cực.

Về trồng trọt, Hưng Yên đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa gắn với xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2016-2020, đã chuyển đổi khoảng 9.700 ha đất trồng cây hiệu quả thấp sang trồng cây lâu năm, cây hàng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; xây dựng gần 500 mô hình cánh đồng sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; xây dựng 997,09 ha sản xuất VietGAP cho rau màu, cây ăn quả; công nhận được 70 sản phẩm OCOP,...; diện tích lúa chất lượng cao trên 70%, sản lượng lúa bình quân hàng năm đạt trên 400 nghìn tấn (tăng trên 15% so với năm 2015); cây ăn quả phát triển mạnh về diện tích, năng suất, sản lượng, giá trị.

Cùng với đó, chăn nuôi dần phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung theo mô hình VietGAP; từng bước chuyển đổi mạnh từ phương thức chăn nuôi nông hộ sang phương thức chăn nuôi trang trại, công nghiệp và bán công nghiệp. Tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, dự án phát triển chăn nuôi chất lượng cao, an toàn sinh học; xây dựng được 4 vùng GAHP và xây dựng được 25 mô hình chăn nuôi theo VietGAHP với quy mô 2,3 triệu con gia cầm, 53,8 nghìn con lợn, 2.750 đàn ong. Cơ cấu vật nuôi có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Bên cạnh đó, mặc dù thủy sản không phải là thế mạnh của tỉnh nhưng cũng đã từng bước phát triển ổn định, sản lượng nuôi thủy sản năm 2020 đạt trên 48,4 nghìn tấn, tăng trên 40% so với năm 2015.

Hưng Yên cũng đặc biệt coi trọng công tác xây dựng thương hiệu nông sản đặc thù của tỉnh để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu. Các ngành nghề truyền thống và dịch vụ ở nông thôn phát triển khá; kinh tế hợp tác phát triển, đa dạng về hình thức và quy mô. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 322 hợp tác xã nông nghiệp, 714 mô hình kinh tế trang trại đang hoạt động; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 50 triệu đồng/người, tăng 21 triệu đồng so với năm 2015.

Phát huy những kết quả đạt được, ngoài tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tích cực, chủ động phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành khoảng 20 cơ chế chính sách chuyển tiếp và chính sách mới thông qua các đề án, dự án nhằm tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các cơ chế chính sách nổi bật như: Nghị quyết 319/NQ-HĐND ngày 13/10/2020 về việc hỗ trợ một số nội dung sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; Quyết định số 2631/QĐ-UBND ngày 12/11/2020 về tiếp tục thực hiện Đề án xây dựng và khuyến khích phát triển mô hình chăn nuôi sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 2917/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 về việc phê duyệt Đề án duy trì và phát triển Hệ thống thông tin điện tử hy-check.net truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông lâm sản và thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025....

Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách mới như: Đề án Hỗ trợ xác lập và phát triển vùng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển làng nghề hoa cây cảnh gắn với du lịch nông nghiệp tỉnh Hưng Yên đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030, Đề án phát triển kinh tế vùng bãi...

Nguồn: Vietnam Business Forum