Giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn là khâu khó khăn nhất đối với các dự án đầu tư. Nhiều dự án do vướng mắc trong công tác GPMB dẫn tới chậm tiến độ, mất cơ hội “vàng” trong đầu tư khiến hiệu quả đầu tư bị ảnh hưởng. Để tháo gỡ khó khăn trong công tác GPMB, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Hưng Yên có sự vào cuộc tích cực, chủ động ngay từ những ngày đầu dự án được triển khai.
Đẩy nhanh công tác GPMB
Xác định được tầm quan trọng của công tác GPMB nên trong công tác tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền cấp tỉnh ban hành, Sở TNMT đã lấy ý kiến các ngành, địa phương, trong đó đề nghị các địa phương triển khai lấy ý kiến xuống các cơ sở thôn, khu dân cư và xin ý kiến của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể về cơ chế, chính sách liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Mục tiêu phải đảm bảo quyền lợi cho người dân có đất thu hồi, tạo điều kiện, hỗ trợ người có đất chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm, đối với trường hợp còn quỹ đất dự trữ (đất công ích) thì ưu tiên phương án bồi thường bằng đất.
Sở TNMT đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy định cụ thể hóa các chính sách của Nhà nước để phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ tối đa cho người dân có đất thu hồi. Đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 14/2014/QĐ – UBND ngày 27/10/2014 quy định một số trường hợp cụ thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc cụ thể hóa về bồi thường theo quy định, Sở đã tham mưu triển khai quy định cụ thể, đầy đủ các chính sách hỗ trợ như: ổn định đời sống, hỗ trợ đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ các gia đình chính sách, thưởng tiến độ… với mức hỗ trợ tương đối cao so với một số địa phương lân cận.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công tác GPMB trên địa bàn tỉnh những năm qua còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhất là với những dự án lớn thuộc đối tượng Nhà nước quyết định thu hồi đất như các KCN Minh Đức, KCN Kim Động, KCN Yên Mỹ và một số dự án xây dựng khu dân cư mới đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn xây dựng nông thôn mới của các địa phương, đặc biệt đối với các huyện Văn Lâm, Văn Giang… (do cơ chế chính sách thay đổi, do người dân chưa đồng thuận với mức bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước và so sánh với các dự án doanh nghiệp (DN) nhận chuyển nhượng theo Điều 73 Luật Đất đai).
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, đối với các DN khi thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất được phân làm 2 dạng: Nhà nước thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ cho người có đất thu hồi theo Quy định Điều 61, 62 Luật Đất đai, chủ đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 73 Luật Đất đai, sau đó thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư. Khi thực hiện song hành 2 cơ chế trên cùng địa phương rất khó khăn và dễ dẫn đến đến thắc mắc khiếu kiện vì: Khi thực hiện cơ chế nhà đầu tư nhận chuyển nhượng với người có đất thường cao hơn so với giá bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất (Nhà nước thu hồi đất chỉ bồi thường, hỗ trợ giá đất theo quy định).
Trên địa bàn tỉnh, ngoài các khu, cụm công nghiệp do các nhà đầu tư hạ tầng thực hiện thì chủ yếu các DN sản xuất kinh doanh có sử dụng đất thực hiện theo hình thức chuyển nhượng của người sử dụng đất cũng còn gặp nhiều khó khăn. Vì trong phạm vi thực hiện dự án, một số hộ gia đình, cá nhân có diện tích nằm rải rác trong khu đất không có nhu cầu chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên DN có nhận chuyển nhượng được trên 90% số hộ nhưng vẫn không đủ điều kiện để thực hiện được dự án. Điều này cũng ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, khó khăn cho công tác GPMB.
Nội dung này, các địa phương cũng đã đề nghị cơ quan Trung ương: Đề nghị quy định chế tài để thực hiện đối với các dự án thực hiện theo hình thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để chuyển mục đích sử dụng đất (Điều 73 Luật Đất đai) nhưng không đạt được 100% thỏa thuận chuyển nhượng đối với các hộ gia đình, cá nhân.
Sau một thời gian tổ chức thực hiện đã nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc do điều kiện thực tiễn địa phương. Để giảm bớt những khó khăn, vướng mắc nêu trên, tạo điều kiện hỗ trợ triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, Sở TNMT tiếp tục tham mưu Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh để phù hợp với thực tế trong công tác GPMB. Sau khi tổ chức xin ý kiến, hội thảo, Sở TNMT đã trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 03/2020/QĐ – UBND ngày 10/01/2020 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh (thay thế Quyết định số 14/2014/QĐ – UBND ngày 27/10/2014). Điển hình trong đó quy định mức hỗ trợ về cây trồng, chuồng trại chăn nuôi của hộ gia đình, cá nhân khi thực hiện các chính sách về đất đai, trước đây để tăng năng suất, hiệu quả sử dụng đất người nông dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao (thời điểm chuyển đổi là phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương). Tuy nhiên do yếu tố chủ quan và khách quan nên việc chuyển đổi của các hộ chưa được cấp có thẩm quyền cho phép nhưng cũng không bị các cơ quan nhà nước ngăn chặn. Vì vậy, khi Nhà nước thu hồi đất xem xét hỗ trợ cây trồng, chuồng trại của các hộ nêu trên tạo sự đồng thuận của người dân trong GPMB.
Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản
Những năm trước đây, hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra thường xuyên, liên tục ở nhiều nơi trên tuyến sông Hồng, sông Luộc qua địa bàn tỉnh gây thất thoát tài nguyên ảnh hưởng đến môi trường. Nhằm ngăn chặn tình trạng trên, Sở TNMT đã tham mưu UBND tỉnh Hưng Yên đưa ra nhiều giải pháp cụ thể:
Đưa vào Quy hoạch các khu vực có cát bồi thường xuyên (thường đó là những điểm nóng về khai thác cát trái phép) và cấp phép cho một số tổ chức, DN có đủ năng lực khai thác cát sông phục vụ nhu cầu xây dựng của tỉnh và đóng góp cho ngân sách nhà nước, thuận lợi cho việc quản lý, từng bước ngăn chặn, chấn chỉnh hiện tượng khai thác cát sông trái phép.
Tham mưu UBND tỉnh Hưng Yên ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như: Quyết định số 09/2017/QĐ – UBND ngày 02/06/2017 Ban hành Quy định về quản lý hoạt động và bảo vệ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, Chỉ thị số 09/CT – UBND ngày 02/06/2017 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Quyết định số 1990/QĐ – UBND ngày 14/07/2017 phê duyệt khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, Kế hoạch số 209/KH – UBND ngày 20/12/2013 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và các giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng, sông Luộc đoạn qua địa bàn tỉnh Hưng Yên, tham mưu UBND tỉnh ký Quy chế phối hợp về quản lý hành chính và hoạt động khai thác khoáng sản trên các tuyến sông giáp ranh với UBND tỉnh Hà Nam và Thái Bình ngày 20/03/2014 và thường xuyên hằng năm tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện quy chế.
Hàng năm ban hành các quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra tình hình hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông và các dự án nạo vét luồng lạch trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Công khai số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo các phòng chuyên môn Sở TNMT, Công an tỉnh, lãnh đạo UBND, Trưởng Công an các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường ven sông Hồng, sông Luộc để nhân dân kịp thời phản ánh.
Tham mưu UBND tỉnh thành lập Đội phản ứng nhanh (Công an tỉnh) và Sở có quyết định thành lập Tổ xung kích phòng, chống các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh, thường xuyên phối hợp tuần tra, giám sát các hoạt động khoáng sản của DN.
Xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1722/QĐ – UBND ngày 30/07/2018.
Yêu cầu DN được cấp phép ký cam kết thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của UBND tỉnh, nếu vi phạm ngoài việc xử lý theo quy định của pháp luật còn bị dừng hoạt động cấp phép: 6 tháng nếu vi phạm lần đầu, 1 năm nếu vi phạm lần 2 và thu hồi giấy phép nếu vi phạm lần 3.
Phối hợp với cơ quan báo, đài thường xuyên đăng tải, cập nhật các quy định, thông tin khoáng sản trên địa bàn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản. Tổ chức các đợt tuyên truyền, triển khai các nghị định mới của Chính phủ về các quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đai và môi trường cho các cán bộ cấp huyện, cấp xã và DN hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; Bộ TNMT, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; cùng với tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức toàn ngành, Sở TNMT tỉnh Hưng Yên quyết tâm đạt được nhiều thành tích hơn nữa, tích cực góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thu hút nguồn lực đầu tư, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI