QUẢNG TRỊ

Ngành Tài chính: Góp phần cải thiện môi trường kinh doanh

11:01:26 | 13/12/2021

Những năm gần đây, thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tăng trưởng khá và có sự đóng góp lớn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Do vậy, việc tạo điều kiện để nhà đầu tư sớm triển khai dự án, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh vừa là giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu vừa là chính sách tri ân đối với các doanh nghiệp. Đây là chia sẻ của bà Lê Thị Thanh, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Trị với phóng viên Vietnam Business Forum.

Bà có đánh giá thế nào về kết quả công tác cải cách hành chính (CCHC) của Sở Tài chính những năm gần đây?

Công tác CCHC, nhất là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được Ban lãnh đạo Sở chỉ đạo sát sao trong thời gian qua và triển khai quyết liệt bằng nhiều giải pháp. Do vậy, kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường; lề lối làm việc của cán bộ công chức không ngừng đổi mới. Hiện 27/27 TTHC của Sở đã được số hóa, cung cấp dịch vụ công mức độ 4. Từ đầu năm đến ngày 15/11/2021 đã tiếp nhận, giải quyết đúng và trước hạn 669 hồ sơ, trong đó có 683 TTHC qua dịch vụ công mức độ 4 (chiếm 97,95%).

Công tác tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng, theo quy trình chặt chẽ; chất lượng xây dựng văn bản ngày càng cao. Sở luôn tích cực tham gia ý kiến dự thảo các đề án, cơ chế, chính sách của tỉnh và trung ương liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách. Sở cũng chú trọng rà soát, xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; đồng thời thực hiện nghiêm quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý tài sản; chế độ trách nhiệm và mối quan hệ công tác giữa các phòng thuộc sở, giữa sở với các sở, ban, ngành, địa phương…

Những nỗ lực đó được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao và UBND tỉnh ghi nhận: Năm 2020, Sở Tài chính xếp nhóm cao trong các sở, ngành về Chỉ số CCHC.

Trong năm 2021, cùng với cả nước, tỉnh Quảng Trị chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 nhưng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ thu - chi ngân sách đề ra. Để đạt được kết quả này, Sở đã tham mưu, thực hiện những giải pháp thế nào, thưa bà?

Trong năm 2021 Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo sát sao, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống, kiểm soát, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh Covid-19. Trạng thái “vùng xanh” của tỉnh trong thời gian dài; sự điều hành linh hoạt của các cấp chính quyền đã tạo điều kiện để hoạt động sản xuất - kinh doanh phục hồi và phát triển, các dự án đầu tư đẩy mạnh triển khai.

Trong bối cảnh chung đó, ngành Tài chính với quyết tâm vượt khó đã chủ động triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp thu - chi ngân sách ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm. Ngành đã chủ động rà soát, dự báo yếu tố ảnh hưởng thu ngân sách, kịp thời đề ra các giải pháp cụ thể. Ngành cũng tích cực tham mưu, ban hành các văn bản về quản lý; điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đảm bảo theo dự toán và tiến độ triển khai của các chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách; đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ về phòng chống dịch bệnh Covid-19; khắc phục hậu quả mưa lũ năm 2020 cho các đơn vị, địa phương và một số nhiệm vụ cấp thiết phát sinh...

Trong năm 2021, ngành Thuế, Hải quan trên địa bàn đã tăng cường quản lý thu, khai thác nguồn thu; triển khai quyết liệt biện pháp chống thất thu; đẩy mạnh xử lý và thu hồi nợ thuế; triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, xuất nhập khẩu..

Từ những nỗ lực đó, tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện cả năm 5.080 tỷ đồng/DT 3.450 tỷ đồng, đạt 147,3% dự toán địa phương và 177,6% dự toán Trung ương.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý điều hành ngân sách nhưng cũng tháo gỡ khó khăn các hoạt động sản xuất kinh doanh… Sở tham mưu, thực hiện giải pháp nào?

Trong tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính NSNN và đảm bảo cân đối ngân sách địa phương trong năm 2022 và các năm tiếp theo, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh và phối hợp chặt chẽ với các ngành thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Trung ương và tỉnh để tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN; phối hợp với các ngành, địa phương triển khai các biện pháp tăng thu, chống thất thu ngân sách; theo dõi tình hình thu, phân tích, đánh giá và dự báo nguồn thu; phân tích nguyên nhân làm tăng, giảm nguồn thu theo từng địa bàn, lĩnh vực để tổng hợp báo cáo kịp thời và đề xuất giải pháp phù hợp.

Hai là, tổ chức điều hành dự toán chi NSNN chủ động chặt chẽ, kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách, chi ngân sách trong phạm vi Nghị quyết HĐND các cấp giao. Các khoản thu, chi thực hiện theo dự toán; tập trung rà soát các chế độ, chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đảm bảo chi đúng chế độ, đúng đối tượng; phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Ba là phối hợp với các sở, ngành trong tham mưu triển khai thực hiện các chương trình, đề án, nhiệm vụ có sử dụng NSNN theo nguyên tắc phải xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối ngân sách, bảo đảm nhiệm vụ được phê duyệt có đủ nguồn lực thực hiện; không đề xuất ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các Nghị quyết, chương trình, đề án khi chưa xác định rõ và chưa cân đối được nguồn kinh phí.

Trong thời gian tới, ngành Tài chính sẽ có những giải pháp gì nhằm góp phần cải thiện chỉ số PCI của tỉnh?

Để nâng cao chỉ số PCI tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025.

Riêng với ngành Tài chính sẽ tập trung triển khai các giải pháp sau:

- Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch…; tăng cường hỗ trợ người nộp thuế sử dụng dịch vụ khai, nộp thuế điện tử, dịch vụ công trực tuyến, cơ chế một cửa ASEAN, một cửa Quốc gia; giảm thời gian thực hiện TTHC tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

- Quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ; chấn chỉnh tác phong, văn hóa ứng xử khi tiếp xúc với nhà đầu tư, doanh nghiệp; đồng thời nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân về ý nghĩa việc nâng cao các chỉ số PCI, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đối với sự phát triển kinh tế- xã hội.

- Triển khai có hiệu quả các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch có trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, Sở sẽ phối hợp với sở, ngành, địa phương rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành một số ưu đãi hỗ trợ đầu tư: Công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội; đào tạo lao động; tiếp cận mặt bằng; tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025;.. và bãi bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh không còn phù hợp.

Trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn: Vietnam Business Forum