HÒA BÌNH

Ban quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình: 15 năm thúc đẩy thu hút đầu tư

10:43:16 | 23/12/2021

Ban quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình (BQL KCN) được thành lập theo Quyết định số 718/QĐ-TTg, ngày 7/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, sau gần 15 năm phát triển, Ban đã từng bước đưa hoạt động quản lý nhà nước về KCN trên địa bàn đi vào ổn định, thúc đẩy thu hút đầu tư, góp phần phát triển  các KCN và ngành công nghiệp của tỉnh nhà.

Hoàn thành tốt nhiệm vụ

Ngay sau khi thành lập và đi vào hoạt động, Ban đã chủ trì xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển các KCN tỉnh Hoà Bình đến năm 2020; tham mưu cho UBND tỉnh trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào quy hoạch các KCN Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 với 08 KCN, gồm: Lương Sơn, Bờ trái sông Đà, Mông Hóa, Nam Lương Sơn, Lạc Thịnh, Yên Quang, Nhuận Trạch và Thanh Hà với tổng diện tích quy hoạch trên 1.510 ha.


Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh (áo trắng cài bút) kiểm tra tại KCN Mông Hóa

Các KCN của tỉnh nằm dọc theo các trục đường QL 6, đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình và đường Hồ Chí Minh, thuận tiện về giao thông, hạ tầng điện, nước. Đến nay, 03 KCN (Lương Sơn, Bờ trái Sông Đà, Yên Quang) đã được đầu tư hạ tầng và thu hút được 103 dự án đầu tư thứ cấp, gồm: 27 dự án FDI, tổng vốn đăng ký là 528,1 triệu USD và 76 dự án DDI, tổng vốn đăng ký là 11.084,45 tỷ đồng; 03 KCN (Nhuận Trạch, Mông Hóa, Lạc Thịnh) đã có nhà đầu tư hạ tầng đang làm thủ tục cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Trong năm 2021, 100% các chỉ tiêu phát triển các KCN của Hòa Bình (doanh thu, xuất khẩu, nộp ngân sách nhà nước, thu hút đầu tư ,...) đều đạt và vượt so với kế hoạch đã đề ra; hoạt động của các doanh nghiệp trong các KCN đã mang lại hiệu quả rõ rệt, các chỉ tiêu về phát triển các KCN ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh (giá trị xuất khẩu chiếm 51% , doanh thu (GTSXCN) chiếm 33,72% giá trị của toàn tỉnh), góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và đóng góp cho ngân sách địa phương.

Bên cạnh đó, BQL KCN Hòa Bình đã chủ trì, tham mưu xây dựng, trình UBND tỉnh Chiến lược phát triển các KCN, CCN tỉnh đến năm 2030; sửa đổi một số quy định, quy chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ; tham mưu hoạt động có hiệu quả Ban chỉ đạo đầu tư phát triển hạ tầng các KCN, CCN của tỉnh. Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan chủ trì tham mưu xây dựng, trình ban hành một số Đề án của tỉnh, trong đó có lĩnh vực phát triển các KCN của tỉnh.

Song song với đó, Ban triển khai thực hiện 05 dự án từ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo đúng kế hoạch, dự kiến đến 31/12/2021 giải ngân đạt 100% kế hoạch được giao; triển khai các thủ tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết một số KCN: Nam Lương Sơn, Lạc Thịnh, Bờ trái sông Đà. Phối hợp giải phóng mặt bằng 100 ha tại các KCN Bờ trái sông Đà, Mông Hóa, Yên Quang (tăng 400% so với năm 2020).

Cùng với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Ban đã chỉ đạo thành lập và ra mắt 02 Đội phòng cháy chữa cháy chuyên ngành tại KCN Lương Sơn và KCN Bờ trái sông Đà nhằm tăng cường thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy tại các KCN. Đặc biệt, với vai trò thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Ban đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch lây lan, giúp các KCN hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định.

Góp phần cải thiện môi trường kinh doanh

Tỉnh Hòa Bình tiếp giáp thủ đô Hà Nội, cách sân bay Nội Bài khoảng 80 km, cách cảng Hải Phòng khoảng 150 km. Tỉnh có diện tích 4.600 km2, dân số năm 2020 là 861.216 người, với 531.015 người trong độ tuổi lao động.


Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tại KCN Lương Sơn

Hòa Bình có khí hậu ôn hòa, kết cấu nền đất vững chắc. Trên địa bàn tỉnh có Nhà máy thuỷ điện Hòa Bình công suất 1.920 MW, hồ chứa nước dung tích 9,5 tỷ m3; diện tích rừng 200.000 ha, tài nguyên khoáng sản phong phú, trong đó có 8 triệu m3 đá granit, 700 triệu tấn đá vôi, 10 triệu m3 đất sét… Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc phát triển công nghiệp và cam kết đem lại một môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Giai đoạn 2021 - 2025, Hòa Bình đề ra mục tiêu, nhiệm vụ: Huy động mọi nguồn lực, tập trung chủ yếu vào các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, xã hội hóa đầu tư để đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng KCN,CCN, gắn phát triển công nghiệp với phát triển xã hội, hạ tầng đô thị - dịch vụ kèm theo, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 54% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Tỉnh ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật các KCN có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển như: Yên Quang, Mông Hóa, Nam Lương Sơn, Lạc Thịnh. Nâng cao tỷ lệ lấp đầy diện tích các KCN đã hình thành lên trên 80%. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích đất các KCN,CCN chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh (tương đương 4.600 ha).

Trong thời gian tới, BQL KCN Hòa Bình sẽ chỉ đạo, phối hợp đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án: Trạm xử lý nước thải KCN bờ trái sông Đà, đường vào KCN Yên Quang, đường trục chính KCN Mông Hóa, đường từ QL 6 đến KCN Nhuận Trạch (Lương Sơn), đường từ đường Hồ Chí Minh đến KCN Thanh Hà, CCN Phú Thành II (Lạc Thủy).

Để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, bên cạnh công tác quy hoạch, rà soát, đánh giá, đẩy mạnh tiến độ, chất lượng thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng KCN, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng các chưa có nhà đầu tư, gồm: Mông Hóa, Yên Quang, Lạc Thịnh, Nam Lương Sơn.

Đồng thời, huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghiệp, đặc biệt đầu tư hoàn hiện hạ tầng giao thông, khu xử lý nước thải tập trung; hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào các KCN,CCN.

BQL KCN tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng và minh bạch; giảm tối đa các chi phí cho nhà đầu tư khi triển khai dự án; tạo thuận lợi trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại KCN… Hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện hạ tầng các KCN, tháo gỡ khó khăn trong GPMB để đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Ngọc Tùng (Vietnam Business Forum)