BẮC GIANG

Xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại

07:31:16 | 30/12/2021

Năm 2020, tỉnh Bắc Giang xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) với 85,58 điểm (tăng 12 bậc so với năm 2019); xếp thứ 3 về Chỉ số hài lòng (SIPAS), với 92,54% (tăng 6 bậc so với năm 2019). Thành tích trên cùng những kết quả tích cực về cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đang cho thấy Bắc Giang rất quyết tâm, quyết liệt trong việc hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp (DN).

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu quả

Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) ở Bắc Giang luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự nỗ lực, quyết tâm của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Những chuyển biến trong CCHC đã và đang hướng tới nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp và hiện đại, tạo lòng tin của nhân dân và DN.


Bắc Giang liên tục có sự cải thiện về Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index)

Để có kết quả tốt về công tác CCHC, Bắc Giang đã sáng tạo, linh hoạt khi vận dụng các giải pháp, nội dung triển khai thực hiện.

Trước hết, công tác tuyên truyền CCHC được thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Điển hình như: Tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về cải cách TTHC và dịch vụ công” với trên 1,8 triệu lượt thi (đã trao giải cho 05 tập thể, 23 cá nhân có thành tích cao); ở cấp huyện triển khai chương trình “ngày thứ 5 xung kích”; Tỉnh đoàn triển khai “Kỳ nghỉ hồng” nhằm giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho cá nhân, tổ chức; thành lập Đội thanh niên tình nguyện trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến;… Đặc biệt, năm 2020, lần đầu tiên Bắc Giang tổ chức Hội nghị tập huấn công tác CCHC trực tuyến cho 100% cán bộ, công chức (CBCC) từ cấp tỉnh đến cấp xã; mời giảng viên là lãnh đạo Vụ CCHC (Bộ Nội vụ).

Mục tiêu năm 2021, Bắc Giang phấn đấu đạt Chỉ số PAR Index nằm trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước; Chỉ số SIPAS đạt 93%.

Ngoài ra, tỉnh đã phát động mỗi cơ quan, địa phương đăng ký ít nhất 01 sáng kiến CCHC, được Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chấp nhận triển khai thực hiện. Năm 2020, có nhiều cơ quan, địa phương có sáng kiến, giải pháp hay đã được triển khai, áp dụng có hiệu quả. Nổi bật là sáng kiến định danh điện tử từ xa và sáng kiến hệ thống trả lời tự động trên Cổng dịch vụ công tỉnh của Sở Thông tin và Truyền thông đã được Bộ Nội vụ công nhận là sáng kiến cấp tỉnh. Năm 2021, có hơn 40 sáng kiến, giải pháp mới về CCHC được các cơ quan, địa phương đăng ký thực hiện. Trong đó có nhiều sáng kiến hay như Ứng dụng mã địa chỉ bưu chính Vpostcode vào việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC, hướng dẫn thực hiện các TTHC liên quan đến yếu tố nước ngoài thông qua sơ đồ Mindmap, tra cứu TTHC bằng mã QR…


Thử nghiệm lấy số thứ tự giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa huyện Hiệp Hòa

Công tác cải thiện môi trường kinh doanh cũng được UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo, với việc ban hành Kế hoạch số 222/KH-UBND về nâng cao Chỉ số PCI năm 2020. Đặc biệt, thành lập Tổ công tác tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, DN, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện TTHC, đã xây dựng thành ứng dụng sử dụng trên điện thoại thông minh. Qua đó, tạo kênh thông tin kết nối giữa DN, nhà đầu tư với lãnh đạo UBND tỉnh; ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, quan liêu, tiêu cực trong giải quyết TTHC…

Cùng với các giải pháp trên, Bắc Giang đã tập trung cải cách tổ chức bộ máy, các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL); nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC.

Trong giai đoạn 2011-2020, toàn tỉnh đã sắp xếp, giảm 142 đơn vị SNCL, giảm 23 Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, giảm 3.362 biên chế so với năm 2015, tinh giản được 1.452 biên chế CBCC. Qua đó, giúp tinh gọn bộ máy hành chính cũng như đội ngũ CBCC, những người hoạt động không chuyên trách cấp xã; giảm chi ngân sách khoảng 150 tỷ đồng/năm.

Giảm tối đa thời gian giải quyết TTHC

Với tiêu chí lấy sự hài lòng của người dân, DN là thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, UBND tỉnh đã chỉ đạo, ban hành các quyết định đơn giản hóa TTHC; loại bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết; cụ thể hóa các mẫu tờ khai... Thực hiện “5 tại chỗ” với 67 TTHC thuộc 06 cơ quan, giúp giải quyết TTHC nhanh chóng, thuận tiện, cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho công dân, tổ chức. Năm 2021, tỉnh Bắc Giang đã tiến hành rà soát, đánh giá và đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết TTHC đối với 502/2.222 TTHC (đạt tỷ lệ 22,6% vượt chỉ tiêu so với Đề án).

Bắc Giang là tỉnh sớm triển khai và ứng dụng Phần mềm Một cửa điện tử trong giải quyết TTHC, đến năm 2019 đã hoàn thành kết nối liên thông 3 cấp tỉnh - huyện - xã, góp phần chuẩn hóa, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn đạt tỷ lệ trên 99%.

Tỉnh đặc biệt quan tâm hiện đại hóa hành chính, với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC; đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số... Bắc Giang là tỉnh dẫn đầu toàn quốc về triển khai Hội nghị trực tuyến 3 cấp tỉnh - huyện - xã với việc triển khai đồng bộ đến 100% các xã, phường, thị trấn, gồm 285 điểm cầu trên toàn tỉnh.

Đồng thời, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc được triển khai liên thông 04 cấp, đến các cơ quan Đảng, Nhà nước, tích hợp ký số cá nhân và ký số cơ quan trên phần mềm. Đến nay, tỷ lệ ký số đối với tổ chức đạt 99,8%, đối với ký số cá nhân cấp tỉnh đạt tỷ lệ 99,7%, cấp huyện đạt 99,1%, cấp xã đạt tỷ lệ 94,1%. Hồ sơ TTHC giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt tỷ lệ cao, đã triển khai thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh.

Ông Vũ Mạnh Hùng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang cho biết: Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 402/KH-UBND ngày 21/8/2021 về CCHC nhà nước tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030. Trong đó, đề ra mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể đối với từng giai đoạn, phân công rõ trách nhiệm đối với từng cơ quan, đơn vị.

“Trọng tâm của kế hoạch là cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa quy định TTHC; xây dựng đội ngũ CBCC chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước; tập trung chuyển đổi số, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số…”, ông Vũ Mạnh Hùng chia sẻ.

Nguồn: Vietnam Business Forum