BẮC GIANG

Huyện Yên Dũng: Phát triển hạ tầng giao thông tạo sức bật cho kinh tế

11:42:58 | 28/12/2021

Huyện Yên Dũng đã tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, kết nối đồng bộ với mạng lưới giao thông của tỉnh, đặc biệt là mở thêm các tuyến đường đối ngoại. Đây là nền tảng vững chắc để Yên Dũng bứt phá phát triển toàn diện, đặc biệt là thúc đẩy thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp của huyện.

Tạo bứt phá về hạ tầng giao thông

Huyện Yên Dũng được biết đến là vùng quê chiêm trũng, bao quanh bởi 3 con sông lớn gồm: sông Thương, sông Cầu và sông Lục Nam, giao thông đi lại khó khăn. Xác định đây là “nút thắt” trong phát triển kinh tế, với quyết tâm và cách làm sáng tạo, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng, mở rộng các tuyến đường kết nối, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội (KTXH).


Một góc trung tâm thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng

Theo đó, các tuyến đường huyện, xã, thôn và đường nội thị của huyện đã được đầu tư mở rộng, tạo nên diện mạo mới cho bức tranh về giao thông. Đặc biệt, phong trào “Cứng hóa đường giao thông nông thôn” của Yên Dũng được đánh giá cao với việc toàn huyện đã cứng hóa, cải tạo, nâng cấp được hơn 664km đường giao thông (tổng kinh phí thực hiện trên 835,5 tỷ đồng); thực hiện cứng hóa được trên 445km đường giao thông nông thôn nội đồng (tổng nguồn lực trên 381 tỷ đồng).

Đến nay, tỷ lệ cứng hóa đường toàn huyện đạt 80,27%… Trong đó, 100% đường huyện, đường xã, liên xã; trên 99% đường trục thôn, đường ngõ xóm và trên 44% đường nội đồng được cứng hóa bằng bê tông, trải thảm. Nhờ đó, Yên Dũng cũng là 1 trong 3 huyện trên toàn quốc được Bộ Giao thông Vận tải tặng Bằng khen về phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2020.

Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường đầu tư nhiều tuyến kết nối với các trục chính trong khu vực như: QL17, QL1A, QL18 và đường tỉnh ĐT.293, ĐT.299... nhằm mở rộng, hoàn thiện hạ tầng giao thông thông suốt với TP.Bắc Giang, huyện Quế Võ (Bắc Ninh), TP.Chí Linh (Hải Dương); tạo động lực phát triển cho Yên Dũng nói riêng và khu vực phía Đông - Nam của tỉnh Bắc Giang nói chung.


Mô hình trồng rau sạch của HTX Rau sạch Yên Dũng đem lại hiệu quả kinh tế cao

Những tuyến đường này giúp phá thế “chia cắt”, “đường cùng, ngõ cụt” của vùng quê chiêm trũng Yên Dũng; là bước đà quan trọng trong mục tiêu “hướng về phía Đông, tiến gần đến biển” của Bắc Giang trong phát triển KT-XH.

Giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Yên Dũng sẽ tiếp tục huy động tốt các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị. Yên Dũng phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành xây dựng các tuyến giao thông kết nối liên hoàn các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ, khu dân cư mới…; qua đó, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư vào khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện về công nghiệp, đô thị, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp.

Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Yên Dũng đang huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch cho nhà đầu tư triển khai, hoàn thiện dự án.

Kinh tế phát triển toàn diện

Về Yên Dũng những ngày này sẽ cảm nhận rõ những đổi thay và niềm phấn khởi, tự hào của người dân nơi đây bởi cuối tháng 10/2021, huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM)…

Sau 10 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM, diện mạo nông thôn của huyện đã thay đổi vượt bậc: Kinh tế phát triển khá; hình thành các liên kết sản xuất và tiêu thụ gắn với xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm; kết cấu hạ tầng khang trang, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở trường học từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống nhân dân…


Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử, tâm linh và tiềm năng du lịch của huyện Yên Dũng

Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, song Yên Dũng vẫn thực hiện thành công “mục tiêu kép”: Vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển KT-XH. Nổi bật nhất là đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ 2/10 huyện, thành phố của tỉnh, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 10,19%; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 963 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người 61,87 triệu đồng/người/năm...

Trong năm, huyện thu hút 9 dự án đăng ký đầu tư vào địa bàn. Toàn huyện có tổng số 9 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng từ 3-4 sao; có thêm 6 thôn được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số thôn được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đến nay là 10 thôn.

Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng - ông Bùi Quang Huy cho biết, huyện đã xác định rõ hướng đi sau khi được công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Huyện sẽ phát huy những giá trị cốt lõi của địa phương để đưa ra định hướng phát triển KT-XH dựa trên các nền tảng văn hóa, lịch sử truyền thống... Trong đó, chú trọng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao tiêu chuẩn VietGAP; phát triển du lịch và đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, ngành nghề nông thôn...

Yên Dũng được xác định là vùng phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ thương mại, du lịch sinh thái lịch sử, văn hóa, lễ hội của tỉnh Bắc Giang. Là khu vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao; có tiềm năng hình thành đô thị vệ tinh phía Nam của TP.Bắc Giang; là đầu mối giao thông đường bộ, đường thủy quan trọng, có vị trí trung gian kết nối Bắc Giang với Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng...

Về thu hút đầu tư, thời gian tới, Yên Dũng tập trung ưu tiên thu hút vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của huyện; thế mạnh nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; các dự án có không gian phát triển khu đô thị, dịch vụ và thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái, sân gofl. Đặc biệt là các dự án có khả năng đóng góp lớn cho ngân sách, công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường; đồng thời, chú trọng các dự án có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với điều kiện của huyện.

Năm 2022, huyện Yên Dũng đặt mục tiêu tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp, kiên trì mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phát triển KT-XH; tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa bàn; xây dựng hạ tầng cơ sở. Duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM. Một số chỉ tiêu cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất từ 11-12%; thu ngân sách 1.859 tỷ đồng. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội 4.700 tỷ đồng; có thêm 2-3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5-6 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu...

Để hoàn thành mục tiêu này, Yên Dũng sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp; phát huy thành tựu đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI) năm 2020 của tỉnh Bắc Giang. Đặc biệt là quan tâm nắm bắt tình hình, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Tích cực triển khai các giải pháp tăng thu ngân sách địa bàn, tổ chức thu đúng, thu đủ, thu kịp thời;…

“Yên Dũng luôn trân trọng và mời gọi các nhà đầu tư; cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Huyện sẽ vào cuộc quyết liệt, quyết tâm hơn để môi trường đầu tư, kinh doanh cải thiện mạnh mẽ, thông thoáng hơn”, Chủ tịch Bùi Quang Huy khẳng định.

Nguồn: Vietnam Business Forum