Giai đoạn 2010-2015, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước cùng với nhiều khó khăn do diễn biến thời tiết, dịch bệnh phức tạp làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, nguồn lực đầu tư từ nhà nước hạn hẹp do tiếp tục thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô... Tuy nhiên, Đảng bộ và nhân dân huyện Yên Sơn đã đoàn kết một lòng, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cơ cấu kinh tế dần chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 37,6%, ngành công nghiệp - xây dựng là 35,5%, ngành dịch vụ là 26,9%.
Với lợi thế bao quanh thành phố, Yên Sơn được ví như hình ảnh Tuyên Quang thu nhỏ, là huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có truyền thống đoàn kết, cần cù sáng tạo trong lao động. Với diện tích đất tự nhiên là 113.242,26 ha, trong đó diện tích đất nông, lâm nghiệp chiếm trên 90% là tiềm năng phát triển kinh tế nông lâm nghiệp. Cụ thể: Huyện chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất, gắn với quy hoạch trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp; Các công trình thủy lợi đầu mối được đầu tư sửa chữa, nâng cấp; việc kiên cố hóa kênh mương được thực hiện gắn với quy hoạch đồng ruộng và đường giao thông nội đồng; chú trọng xây dựng và triển khai các kế hoạch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với thị trường tiêu thụ. Các vùng sản xuất chuyên canh đem lại hiệu quả kinh tế cao được hình thành cùng với nhiều nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa gắn với lợi thế của địa phương như: Miến dong Hợp Thành (xã Lực Hành), Chè Bát Tiên (xã Mỹ bằng), Bưởi Soi Hà (xã Xuân Vân), Gạo chất lượng cao (xã Kim Phú)... Dự kiến trong tháng 10 tới, Đảng bộ Yên Sơn tổ chức hội chợ nông nghiệp tháng 10 nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa của huyện. Đây được coi là một trong những hoạt động điển hình của 6 tháng cuối năm trong năm 2016.
Các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, du lịch có bước tăng trưởng khá, tăng dần tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế. Việc thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của Trung ương, của tỉnh cùng với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đã tạo cơ chế thông thoáng, là điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện nâng cao hiệu quả hoạt động. Đặc biệt, du lịch là lĩnh vực được huyện ưu tiên phát triển hàng đầu trong những năm qua và đạt được nhiều thành quả. Với nhiều địa danh di tích lịch sử và lễ hội tâm linh nổi tiếng như khu di tích lịch sử ATK, di tích Học viện Nguyễn Ái Quốc, đình Minh Cầm (xã Đội Bình), đình Giếng Tanh (xã Kim Phú), đền Làng Là (xã Chân Sơn), Hội xuân chùa Phật Lâm (xã Nhữ Hán),.. Hằng năm, Yên Sơn đón trên 160.000 lượt khách đến tham quan, du lịch, góp phần nâng doanh thu từ các loại hình dịch vụ lên 4,3 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, với 22 anh em dân tộc sinh sống đã tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu thông qua trang phục, lễ hội…Các hoạt động văn hóa, thông tin không ngừng phát triển theo hướng đa dạng và hiệu quả. Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa gắn liền với xây dựng nông thôn mới.
Từ những tiềm năng và lợi thế sẵn có cùng với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong huyện, Yên Sơn tiếp tục phát triển, nâng cao giá trị ngành nông - lâm nghiệp. Đồng thời, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng nhằm tăng hiệu quả kinh doanh, góp phần từng bước xây dựng huyện Yên Sơn ngày càng phát triển bền vững và giàu đẹp.
Hương Giang