Xác định du lịch là lĩnh vực tạo ra nhiều việc làm cũng như đem lại nguồn lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Hưng Yên đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhằm phấn đấu đến năm 2025 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và giai đoạn tiếp theo sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn cho sự phát triển bền vững.
Hưng Yên là địa phương đứng thứ 3 toàn quốc về số lượng di tích, cụm di tích được xếp hạng quốc gia. Độc đáo hơn, điểm trung tâm của đồng bằng Bắc Bộ nằm ở một ngôi làng nhỏ thơ mộng sở hữu cây đề nghìn tuổi tại tỉnh Hưng Yên... Đây chính là kho tài nguyên du lịch phong phú, là tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển ngành công nghiệp không khói. Bởi vậy, dù chỉ là một tỉnh nhỏ không biển, không rừng, không đồi núi, không cửa khẩu, nằm giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng, nhưng Hưng Yên luôn đóng góp những điểm du lịch được yêu thích trong bản đồ du lịch Việt Nam.
Ông Đoàn Văn Hòa - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.802 di tích, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt (Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thái Lạc, di tích quốc gia đặc biệt đền Đậu An), 5 bảo vật quốc gia, 172 di tích cấp quốc gia, 250 di tích, cụm di tích cấp tỉnh. Hưng Yên luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, đặc biệt là các di tích lịch sử văn hóa trọng điểm như: Di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, cụm di tích Phù Ủng - thờ Tướng quân Phạm Ngũ Lão, cụm di tích Tống Trân - Cúc Hoa, Cây Đa và Đền thờ La Tiến, cụm di tích Đa Hòa - Dạ Trạch gắn với phát triển tuyến du lịch sông Hồng,… Trong đó, cụm di tích Phố Hiến cổ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 744/QĐ-TTg ngày 27/5/2010 về việc Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch.
Hưng Yên còn lưu giữ hơn 400 lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa, phong tục Việt như: Các lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến, Lễ hội đền Phù Ủng, Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung…; các di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như hát Ca trù, hát Trống quân và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, cùng với hàng trăm làng nghề truyền thống: Làng nghề tương Bần, hương xạ thôn Cao, làng nghề đúc đồng Lộng Thượng, làng nghề chạm bạc Huệ Lai, làng hoa và cây cảnh Văn Giang… Hưng Yên còn là vùng đất của nhiều đặc sản nổi tiếng: nhãn lồng Phố Hiến, gà Đông Tảo, rượu Lạc Đạo…
Thời gian qua, nhiều công ty du lịch phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch một số địa phương lân cận cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên tổ chức các tour du lịch khám phá Hưng Yên theo hành trình: “Một ngày trên sông Hồng”; tour khám phá Hà Nội - làng cổ Đại Đồng; Hà Nội- Phố Hiến Tiểu Tràng An; Hà Nội - Hưng Yên cùng trải nghiệm vườn nhãn lồng tại TP.Hưng Yên - làng hương Cao Thôn, làng nghề đan rọ, đó Thủ Sỹ… Theo các chặng hành trình, du khách cảm nhận được nét đẹp thanh bình của làng quê, thưởng thức các đặc sản nông nghiệp nổi tiếng của Hưng Yên, trải nghiệm nếp sống sinh hoạt cộng đồng, quy trình sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống.
Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển nhưng ngành du lịch tỉnh Hưng Yên vẫn chưa có sự bứt phá. Chính vì vậy, ngày 25/5/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch số 60/KH-TU thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mục tiêu kế hoạch đề ra đến năm 2020, Hưng Yên phấn đấu đón khoảng 2,0 triệu lượt khách du lịch; năm 2030 đón khoảng 3,0 triệu lượt khách; mức tăng trưởng khách du lịch bình quân hàng năm đạt từ 15%- 20%; tổng thu nhập từ du lịch tăng khoảng 18% -20%/năm. Kế hoạch số 60 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên ban hành là bước ngoặt mang tính đột phá, mở hướng đi hoàn toàn mới trong phát triển du lịch của tỉnh và khắc phục những tồn tại yếu kém, giúp du lịch Hưng Yên phát triển xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh vốn có.
Các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kế hoạch số 60 sẽ là động lực lớn cho du lịch của tỉnh phát triển và kết nối với vùng trọng điểm du lịch quốc gia gắn với việc xây dựng, hình thành thương hiệu du lịch Hưng Yên. Đồng thời, xây dựng Hưng Yên trở thành một điểm đến hấp dẫn, tạo sự khác biệt, có tính cạnh tranh cao và có uy tín trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Nguồn: Vietnam Business Forum
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI