BẮC GIANG

Huyện Yên Thế: Hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo động lực thu hút đầu tư

11:46:55 | 28/12/2021

Với những hướng đi đúng đắn trong việc khơi dậy lợi thế, khai phá tiềm năng, mảnh đất anh hùng Yên Thế đã từng ngày “thay da đổi thịt” với nhiều dự án, mô hình kinh tế hiệu quả. Để tiếp tục bứt phá, huyện đang quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đến tìm hiểu, hợp tác, mở rộng cơ hội đầu tư.

Phát huy tiềm năng, tạo đà bứt phá

Là huyện miền núi phía Tây Bắc của Bắc Giang, với truyền thống lịch sử, Yên Thế có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nông, lâm nghiệp và du lịch.

Với tổng số 120 di tích, trong đó có 9 di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt; 7 di tích cấp Quốc gia; 27 di tích cấp tỉnh cùng với khí hậu trong lành; nhiều hồ, đập và những sườn đồi thoai thoải tạo cảnh quan độc đáo,… huyện Yên Thế đã và đang mở ra cơ hội xây dựng các tour, tuyến du lịch theo hướng tâm linh, sinh thái. Mỗi năm, nơi đây thu hút hàng vạn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và nghiên cứu, đặc biệt là vào Lễ hội kỷ niệm cuộc Khởi nghĩa nông dân Yên Thế vào ngày 16/3 Dương lịch hàng năm).

Bên cạnh du lịch, điều kiện tự nhiên, sinh thái, thổ nhưỡng thuận lợi tạo cho Yên Thế lợi thế phát triển ngành nông, lâm nghiệp đa dạng, toàn diện. Huyện đã triển khai các giải pháp để đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa và tiêu thụ nông sản với nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu như: Nuôi gà đồi, nuôi dê, trồng chè, trồng rừng kinh tế, cây ăn quả... Trong đó, với lợi thế đất vườn đồi, Yên Thế đã trở thành huyện có tổng đàn gia cầm lớn nhất toàn quốc, với giá trị sản xuất hàng năm đạt từ 1.300 tỷ đồng đến 1.500 tỷ đồng. Thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” đã nổi tiếng trong và ngoài tỉnh.

Đến nay, huyện đã xây dựng thành công các nhãn hiệu gắn cho một số sản phẩm chủ lực của địa phương như: Chè khô Yên Thế, Chè xanh Bản Ven, Dê núi Hồng Kỳ, Mật ong hoa rừng,… Đặc biệt, nhiều nông sản đã trở thành sản phẩm OCOP của huyện như: Giò gà Yên Thế”, “Chả gà Yên Thế”, “Trà Thiên Lộc”, “Rượu Lộc Sơn”…

Nhờ khai thác đúng hướng, những năm qua, kinh tế của huyện có kết quả tích cực. Trong năm 2021, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (giá so sánh năm 2010) ước đạt 5,1%, trong đó: Nông, lâm nghiệp 1,6%; công nghiệp - xây dựng 8,4%; dịch vụ 7,3%. Cơ cấu giá trị sản xuất tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước thực hiện 266,8 tỷ đồng, đạt 150,58% dự toán HĐND huyện quyết định, bằng 216,92% dự toán UBND tỉnh giao và tăng 39,74% so với cùng kỳ năm 2020...

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp (trong đó dù không phải huyện có các khu công nghiệp nhưng Yên Thế phải 2 lần giãn cách và đều khống chế rất nhanh), những kết quả đó là hết sức ấn tượng. Đây chính là những tiền đề quan trọng để Yên Thế thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Tạo chuyển biến từ hạ tầng giao thông

Xuất phát điểm từ một huyện miền núi với địa hình đồi núi, chia cắt bởi nhiều sông suối, giao thông chưa hoàn thiện nên Yên Thế xác định, muốn tạo chuyển biến mạnh mẽ về phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư thì phải tập trung đầu tư cho hạ tầng giao thông.


Tuyến QL 17 đoạn thị trấn Nhã Nam - thị trấn Phồn Xương (Yên Thế) đang được đầu tư cải tạo, nâng cấp

Năm 2021 đánh dấu sự đột phá mạnh mẽ trong phát triển giao thông của huyện với hàng loạt dự án được triển khai. Cùng với việc quan tâm đầu tư, mở rộng các tuyến đường liên xã, UBND huyện đã rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới giao thông, hạ tầng kỹ thuật, ưu tiên quy hoạch các tuyến đường tỉnh, huyện, kết nối giữa các khu vực trong huyện và các huyện lân cận.

Thời điểm hiện tại, nhiều dự án lớn trên địa bàn huyện đã và đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai, như: Cải tạo, nâng cấp ĐT.292 thị trấn Bố Hạ - thị trấn Phồn Xương; QL 17 đoạn thị trấn Nhã Nam - thị trấn Phồn Xương; xây mới cầu Mỏ Trạng… Ngoài ra, huyện cũng tiến hành cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường huyện, đường trục xã đã xuống cấp. Đặc biệt, huyện cũng đang đề nghị tỉnh và Trung ương quan tâm, tiếp tục đầu tư QL 17 đoạn từ thị trấn Phồn Xương - huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) để tạo sự đồng bộ về kết nối giao thông.

Năm 2022 huyện Yên Thế đặt mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (giá so sánh năm 2010) đạt 11-12%; cơ cấu giá trị sản xuất: Nông, lâm nghiệp - thủy sản chiếm 39,8%, công nghiệp - xây dựng chiếm 31,9%, dịch vụ chiếm 28,3%; giá trị sản xuất (giá so sánh năm 2010): Nông, lâm nghiệp - thủy sản đạt 2.979 tỷ đồng, công nghiệp - xây dựng đạt 2.387 tỷ đồng, dịch vụ đạt 2.117 tỷ đồng; thu ngân sách trên địa bàn 198 tỷ đồng (trong đó thu tiền sử dụng đất 115 tỷ đồng); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,3% (theo tiêu chí mới)…

Đặc biệt, một trong những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh đang triển khai là xây dựng đường nối QL 37 - QL 17 đi Võ Nhai (Thái Nguyên) đi qua huyện Yên Thế. Đây là tuyến đường đối ngoại quan trọng, giúp kết nối các xã vùng sâu vùng xa của huyện; tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư vào phát triển du lịch sinh thái, các cụm công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu tập trung trên địa bàn. Dự án có ý nghĩa to lớn để Yên Thế bứt phá, gỡ “nút thắt” về giao thông đi lại và mở thêm không gian, dư địa phát triển cho địa phương.

Chủ tịch UBND huyện - ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, các dự án giao thông đã, đang và sẽ được triển khai thể hiện quyết tâm, tư duy, tầm nhìn, khai mở những tiềm năng và hiện thực hóa ước mơ tạo sức bật mới cho cho kinh tế - xã hội của Yên Thế. Những vấn đề về giải phóng mặt bằng, nguồn vốn, vật liệu san lấp… sẽ được ưu tiên cao nhất để đảm bảo tiến độ thi công, các hạng mục công trình được đẩy nhanh.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Phát triển hạ tầng giao thông còn tạo sức hút cho Yên Thế đối với các nhà đầu tư. Với những tiềm năng sẵn có, nguồn lao động dồi dào, huyện đang tiếp tục mời gọi nhà đầu tư theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp tập trung, nâng giá trị nông sản, tạo thương hiệu riêng. Đặc biệt là thu hút đầu tư chế biến nông sản tại chỗ, xây dựng chuỗi giá trị gắn với vùng nguyên liệu; phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, cộng đồng nhằm khai thác tiềm năng các giá trị văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh...


Canh tác chè ở xã Xuân Lương giúp nhiều gia đình phát triển kinh tế

Theo ông Sơn, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, huyện đã chủ động, kịp thời thể chế hóa các chính sách, pháp luật phù hợp thực tế, tạo điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận với đất đai, cơ chế, chính sách một cách thuận lợi. Đồng thời, triển khai quyết liệt việc giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư thực hiện dự án trọng điểm.

“Với phương châm sự phát triển của doanh nghiệp chính là thành công của địa phương, các cấp chính quyền huyện Yên Thế sẽ thường xuyên duy trì kênh thông tin phản hồi rộng rãi để kịp thời nắm bắt các ý kiến cũng như giải quyết nhanh chóng các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư”, ông Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định.

Nguồn: Vietnam Business Forum