Nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh Bắc Giang, với hệ thống giao thông thuận lợi, huyện Việt Yên có lợi thế rất lớn cho giao thương, phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Đây chính là cơ hội để huyện phát triển một nền kinh tế đa dạng, đặc biệt là công nghiệp, đô thị và dịch vụ - thương mại,… hướng tới mục tiêu trở thành thị xã Việt Yên vào năm 2025.
Kinh tế khởi sắc
Sau 25 năm tái lập tỉnh, từ một huyện nằm ở tốp cuối của tỉnh về phát triển kinh tế, đến nay Việt Yên đã từng bước đổi thay, phát triển toàn diện, nhất là lĩnh vực kinh tế.
Việt Yên là trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh Bắc Giang với 3 KCN nằm trên địa bàn
Với 17/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới được hoàn thành, huyện Việt Yên là huyện đạt chuẩn Nông thôn mới đầu tiên của tỉnh, hoàn thành kế hoạch sớm hơn 02 năm so với kế hoạch. Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng, kiến trúc cảnh quan đô thị Việt Yên có nhiều cải thiện, đời sống kinh tế và tinh thần của người dân được nâng cao; diện mạo đô thị khang trang và thay đổi mạnh mẽ.
Ngày 29/11/2021, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 1286/QĐ-BXD công nhận huyện Việt Yên đạt tiêu chí đô thị loại IV trực thuộc tỉnh Bắc Giang. Đây là tiền đề quan trọng nâng cao vị thế, thúc đẩy sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thu hút đầu tư, lan tỏa tốc độ đô thị hóa sang các địa phương lân cận; tạo nên bức tranh huyện Việt Yên trong thời kỳ đổi mới.
Việt Yên cũng là huyện trọng điểm về phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Giang với 04 khu công nghiệp (KCN) và 04 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động và đầu tư xây dựng với tổng diện tích là 1.100ha. Có 1.832 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn huyện, thu hút trên 120.000 công nhân lao động.
Một góc trung tâm huyện Việt Yên
Năm 2021 tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng huyện vẫn hoàn thành tốt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Giá trị sản xuất (GTSX) duy trì tăng trưởng cả 3 khu vực; GTSX tạo ra trên địa bàn huyện chiếm 61,4% GTSX toàn tỉnh (riêng GTSX công nghiệp chiếm 77,9% GTSX công nghiệp toàn tỉnh). Thu ngân sách trên địa bàn (không tính tiền sử dụng đất) đạt 120% dự toán. Một số chỉ tiêu thu đạt khá: Thu ngoài quốc doanh ước thực hiện 374.646 triệu đồng, đạt 131% dự toán; thuế thu nhập cá nhân 42.175 triệu đồng, đạt 132% dự toán; thu tiền thuê đất ước thực hiện 4.455 triệu đồng, đạt 270% dự toán; phí, lệ phí ước thực hiện 8.982 triệu đồng, đạt 125% dự toán; thu khác ngân sách ước thực hiện 33.440 triệu đồng, đạt 203% dự toán. Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt kết quả tốt, quốc phòng - an ninh được đảm bảo.
Để có được thành công này, thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều mô hình, cách làm sáng tạo: Kịp thời chuyển đổi cơ cấu kinh tế đúng hướng, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; là một trong số những đơn vị dẫn đầu toàn quốc trong việc đổi mới công nghệ, có nhiều thành tích trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và bảo vệ môi trường sinh thái, nhất là trong sản xuất nông nghiệp.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Với hai trục kinh tế: trục Bắc - Nam (dọc cao tốc Hà Nội - Bắc Giang) đã và đang hình thành nhiều KCN, CCN có quy mô lớn và trục Đông - Tây (dọc quốc lộ 37 và đường tỉnh 398 - vành đai IV cũ) đã đưa Việt Yên trở thành khu vực phát triển năng động nhất tỉnh. Trong những năm qua, huyện Việt Yên nổi lên như một điểm sáng về thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung, điển hình là các khu công nghiệp: Đình Trám, Vân Trung, Quang Châu… Từ năm 2009 đến nay huyện đã thu hút được trên 2000 dự án, đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH.
Cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư, huyện chú trọng phát triển công nghiệp, đô thị. Theo ông Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện, Việt Yên đặt mục tiêu trở thành thị xã trực thuộc tỉnh vào năm 2025 theo hướng đô thị thông minh, hiện đại, bản sắc và bền vững, xây dựng chính quyền điện tử... Là trung tâm kinh tế của tỉnh, lấy công nghiệp làm trọng tâm dẫn dắt kinh tế đô thị, dịch vụ, nông nghiệp; có hệ thống hạ tầng đô thị khung, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ; các nguồn tài nguyên được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, môi trường được bảo vệ, thúc đẩy phát triển kinh tế số;… Đây cũng chính là những định hướng thu hút đầu tư của huyện trong thời gian tới.
Theo đó, để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, huyện sẽ khai thác tối đa lợi thế để phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, trong đó tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ - thương mại; phát triển toàn diện các lĩnh vực xã hội và xây dựng văn minh đô thị. Đặc biệt là tăng cường công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng đô thị từng bước đồng bộ, hiện đại. Đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đô thị; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển đô thị và kinh tế đô thị.
Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, Việt Yên cũng sẽ đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng các quỹ đất thương mại, đô thị để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Thời gian tới, huyện ưu tiên chọn lọc, lựa chọn nhà đầu tư lớn, có uy tín để thực hiện đầu tư trên địa bàn, đặc biệt là hạ tầng công nghiệp, hạ tầng đô thị, hạ tầng dịch vụ.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Trên địa bàn huyện Việt Yên hiện có 1.832 doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động, chiếm khoảng 16% số doanh nghiệp toàn tỉnh. Trước những tác động từ đại dịch Covid-19, để khôi phục sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất và phòng chống dịch Covid-19. Tăng cường xét nghiệm và tiêm vaccine cho người lao động; thẩm định, cấp phép nhà trọ, nơi lưu trú đủ điều kiện hoạt động đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch; Kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp.
Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định Việt Yên nằm trong tiểu vùng phát triển quan trọng của tỉnh, được định hướng là khu vực phát triển công nghiệp, sản xuất chế biến nông sản, hàng tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ và du lịch; giữ vị trí trung gian quan trọng kết nối tỉnh Bắc Giang với Thủ đô Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Thái Nguyên. |
Đồng hành cùng các doanh nghiệp, huyện thường xuyên chủ động tổ chức khảo sát, nắm bắt, ghi nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp với nhiều hình thức phù hợp; tập trung giải quyết và đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết ngay các kiến nghị liên quan.
Nhằm nâng cao chỉ số và thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện DDCI, góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh đồng thời thu hút các nhà đầu tư, thời gian tới UBND huyện tập trung chỉ đạo duy trì và nâng cao Chỉ số tính minh bạch trong tiếp cận thông tin, Chỉ số khả năng tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh, mọi thông tin được công khai, minh bạch để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Tiếp tục triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính năm 2021 của tỉnh, Việt Yên duy trì, rà soát, điều chỉnh bổ sung quy trình giải quyết TTHC theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 vào hoạt động cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện.
Huyện cũng sẽ định kỳ tổ chức gặp gỡ nhằm lắng nghe chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Tổ chức hội nghị kết nối các ngân hàng thương mại trên địa bàn với doanh nghiệp để giải đáp các vướng mắc, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay; các hội nghị tuyên truyền, giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp về BHXH, BHYT…
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI