Đến nay tỉnh Hưng Yên đã khoác lên mình một diện mạo mới và là một trong những tỉnh sớm hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thành tựu này có đóng góp quan trọng của ngành giao thông. Mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh tương đối hoàn thiện, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã tích cực tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành một số nghị quyết, chương trình hành động quan trọng để làm căn cứ hoạch định đầu tư phát triển GTVT lâu dài, đó là Nghị quyết số 08-NQ/TU về chương trình phát triển giao thông, vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 3353/QĐ-UBND về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030.
Những năm vừa qua, Sở GTVT còn chủ động, sáng tạo tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nhiều giải pháp, biện pháp, huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông và đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng giao thông đã có sự phát triển vượt bậc, nhiều công trình quan trọng, thiết yếu được đưa vào sử dụng. Cụ thể như: Giai đoạn 1 tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và cầu Hưng Hà; hoàn thành cầu La Tiến và đường ĐT.386. Mở rộng QL.38 đoạn qua địa bàn tỉnh; đầu tư các dự án đường trục kinh tế Bắc – Nam tỉnh Hưng Yên với ĐT.281 tỉnh Bắc Ninh… Trong giai đoạn từ 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây mới trên 1.300 km đường các loại, trong đó 87,4 km đường tỉnh và 4 cầu trên các tuyến đường tỉnh với chiều dài 118,9m, tạo thành mạng lưới hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khá bền vững và phát triển, hoàn thành chỉ tiêu 145/145 xã đạt tiêu chí giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (đạt 100%), có thể nói đây là đóng góp rất lớn của ngành vào chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trong những năm tới, công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh tiếp tục đặt ra cho ngành GTVT những yêu cầu, nhiệm vụ và thách thức mới, đòi hỏi ngành GTVT phải nỗ lực phấn đấu, cùng các ngành, các cấp và toàn xã hội vượt qua khó khăn, thử thách để tạo ra chuyển biến cơ bản, toàn diện về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trên cơ sở những thành quả và bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai thực hiện, ngành GTVT sẽ tiếp tục tham mưu với tỉnh xây dựng mạng lưới GTVT của tỉnh theo quy hoạch. Khai thác tốt các tuyến đường giao thông của quốc gia, của vùng đi qua tỉnh, đầu tư giai đoạn 2 tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; dự án cải tạo, nâng cấp QL.39 từ nút giao Lý Thường Kiệt đến QL.5 nối vào đường trục kinh tế Bắc Nam của tỉnh;… Tham mưu đầu tư hệ thống đường tỉnh theo quy hoạch như tập trung thi công và hoàn thành các dự án đầu tư cải tạo các tuyến đường ĐT.387, ĐH.17 kéo dài đến ĐT.379, đường ĐT.382B, ĐT.379… theo quy mô cấp II; dự án đường trục kinh tế Bắc Nam của tỉnh đạt cấp quy hoạch các tuyến đường huyện và giao thông nông thôn…
Để đa dạng hóa dòng vốn đầu tư, Sở sẽ chú trọng và đẩy mạnh khai thác sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các nguồn vốn khác... Có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư để đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn. Phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư, có chính sách phù hợp theo quy định để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án bảo đảm tiến độ, hiệu quả đầu tư, dành quỹ đất hợp lý cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của ngành GTVT trong sự phát triển địa phương.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI