Trong những năm qua, ngành ngân hàng Hưng Yên đã triển khai tổng thể và đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường, ổn định được mặt bằng lãi suất và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Hệ thống ngân hàng và các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn hoạt động an toàn, hiệu quả, nỗ lực trong hiện đại hóa công nghệ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về vốn và dịch vụ ngân hàng.
Đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả
Đến nay, trên địa bàn có 8 chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước, 13 chi nhánh NHTM cổ phần, 01 chi nhánh Ngân hàng hợp tác xã, 01 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, 65 quỹ tín dụng nhân dân và 85 phòng giao dịch của các chi nhánh NHTM, riêng Ngân hàng Chính sách xã hội có các điểm giao dịch xã (phường, thị trấn) phủ kín rộng khắp tỉnh Hưng Yên để phục vụ và đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân cũng như nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương.
Để thu hút và tạo nguồn vốn, các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh triển khai các giải pháp huy động vốn từ dân cư và các tổ chức kinh tế, đây là yếu tố quan trọng đảm bảo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho vay đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và đồng thời phát triển hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Đến hết tháng 10/2020, nguồn vốn tự huy động đạt 86.553 tỷ đồng, tăng 10.751 tỷ đồng (14,2%) so với 31/12/2019, cao hơn mức tăng của toàn quốc (toàn quốc tăng 9,71%); vượt kế hoạch cả năm đề ra (kế hoạch cả năm đề ra tăng 13%), đáp ứng tối đa nguồn vốn cho vay của các TCTD đối với nền kinh tế. Tổng dư nợ cho vay đạt 64.073 tỷ đồng, tăng 2.820 tỷ đồng (4,6%) so với 31/12/2019, thấp hơn mức tăng của toàn quốc (toàn quốc tăng 6,71%).
Nhiều nguồn vốn triển khai cho vay theo các cơ chế chính sách, chương trình tín dụng của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đem lại hiệu quả cao, như cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, cho vay hộ nghèo, đối tượng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội với nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, đó thực sự là những “cần câu” tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân, các hộ nghèo, hộ chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, ngành ngân hàng Hưng Yên triển khai thực hiện tốt Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Ngay từ những tháng đầu năm, toàn ngành đã quyết liệt triển khai thực hiện nhiều giải pháp để thu hồi, xử lý nợ xấu, hạn chế nợ xấu mới phát sinh, giảm tỷ lệ nợ xấu đến 31/10/2020 xuống còn 1,17%, góp phần ổn định hoạt động ngân hàng, đảm bảo an ninh và ổn định chính trị- xã hội.
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng
Trong những năm qua, NHNN thường xuyên chỉ đạo các TCTD trên địa bàn quan tâm, chú trọng hỗ trợ các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng với nhiều giải pháp thực hiện, đó là: Thực hiện tốt chức năng tham mưu với UBND tỉnh Hưng Yên trong việc chỉ đạo các TCTD và yêu cầu các sở ban ngành trong tỉnh cùng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chỉ đạo các TCTD thường xuyên đẩy mạnh Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm nắm bắt nhu cầu, tháo gỡ khó khăn, kịp thời hỗ trợ khách hàng vay vốn, thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh; gắn chương trình kết nối với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để đạt hiệu quả cao nhất.
Đặc biệt, trong công cuộc tái khởi động hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế đất nước do bị thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19, NHNN chi nhánh Hưng Yên đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách với các chương trình ưu đãi về lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của NHNN Việt Nam nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng về vốn để tái khởi động sản xuất kinh doanh, phục hồi “sức khỏe tài chính”, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, đất nước (mặc dù các TCTD cũng là đơn vị kinh doanh, cũng gián tiếp chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch, còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí thua lỗ).
Đổi mới công tác điều hành để duy trì tốt đà tăng trưởng tín dụng
Trong thời gian tới, hệ thống ngân hàng Hưng Yên tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN và UBND tỉnh, nỗ lực tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu; gắn tăng trưởng hoạt động ngân hàng với mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, triển khai các loại hình dịch vụ nhằm khai thác được các tiềm năng, thế mạnh kinh tế của tỉnh, hỗ trợ có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế địa phương; phấn đấu, tăng trưởng huy động vốn tối thiểu tăng 12%, tăng trưởng tín dụng bằng mức tăng bình quân toàn quốc (từ 7-9%), cơ cấu tín dụng sát với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; kiểm soát nợ xấu dưới 2%.
NHNN tỉnh tiếp tục phát huy tốt vai trò tham mưu với Thống đốc NHNN, UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của các TCTD, kêu gọi sự phối kết hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh; phát huy hiệu quả các buổi làm việc giữa NHNN với các TCTD, hội nghị đối thoại giữa các cơ quan tòa án, thi hành án với các TCTD, đối thoại giữa các TCTD với các thành phần kinh tế nhằm nắm bắt nhu cầu vay vốn của các thành phần kinh tế, tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, của các TCTD trong quan hệ vay vốn cũng như trong công tác thu hồi, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42. Tăng cường công tác thanh tra giám sát đối với hoạt động của các TCTD trên địa bàn nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời tồn tại sai sót, giúp các TCTD hoạt động đúng quy định pháp luật, đảm bảo an toàn hiệu quả.
Các đơn vị, TCTD trên địa bàn tăng cường huy động vốn và mở rộng đầu tư tín dụng một cách an toàn, hiệu quả và bền vững; chú trọng tập trung cho vay vào các lĩnh vực chủ đạo và ưu tiên như cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho vay xuất khẩu, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án trọng điểm của tỉnh, cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, đơn giản hóa thủ tục cho vay, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong quá trình cạnh tranh, hội nhập, cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI